Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

SÉM LÀ NGHỆ SĨ

60 năm với đời.
Cầm viết tuổi bốn mươi, sáng tác loạn xị, thứ vứt đi nhiều gấp ngàn lần thứ được khen. Hư danh tựa viên sỏi quẳng mặt hồ.
BẾ TẮC! TA TÌM NƠI VẮNG VẺ
Thiên hạ rằng khôn nên tìm nơi vắng vẻ, còn ta qúa u mê hoang tưởng, đành tìm nơi vắng vẻ, đến với cỏ cây, nhìn sương rơi sáng sớm, nghe tiếng chim kêu cá quẫy hầu tịnh tâm thanh khiết tìm ra được " Lộ trình".
Bạn cho ở nhờ nơi thâm sơn cùng cốc, đơn sơ đạm bạc, dăm bửa nửa tháng thì yên chứ ngày tháng cứ qua đều thì sao đặng, vợ bạn lên thăm nhìn bạn chồng được nửa đuôi con mắt, bạn gì mà bạn, cái thứ nửa điên nửa khùng.
Rời bạn ta tiếp tục hành trình, tìm nơi núi cao, cạo sạch tóc, xuống áo quyết làm tu sĩ, ngồi kiết già tụng kinh. Đêm nào cũng nằm mơ thấy phật, sáng mai không đọng lại chút gì, biết rằng mình thiếu căn tu, đành lỗi nhịp rời chùa hẹn kiếp sau.
LẠI VỀ CHỐN THƯỜNG TÌNH
Chính Charles Darwin là người đầu tiên nhận biết được khả năng suy nghỉ của cỏ cây. Luther Burbank đã tiếp nối bằng việc giao tiếp với chúng. Geoger Wasnhington Carver khẳng định ông đã tìm ra cách chuyện trò với cây cối và chúng đã cho ông hàng trăm sản phẩm mới. Carver nói: Khi tôi chạm vào bông hoa, nghĩa là tôi đang chạm vào Thượng đế. Những bông hoa có mặt trước loài người từ lâu trên trái đất này, và chúng sẽ tiếp tục tồn tại hàng triệu năm sau loài người. Qua loài hoa tôi đã nói chuyện với Thượng đế.
Hay! Quá hay. Tại sao ta không thử tìm "Lộ trình" bằng cách thông qua và làm bạn với Thượng đế.
Cây cỏ biết suy nghĩ, đất đá cũng sinh sôi, và đời cũng lắm cảnh éo le. Thượng đế bảo: Có thường tình mới là chuyện đời, mắc chi nhà ngươi lại đi tìm chốn "Vô thường".
Vỗ đùi đánh đét, không sai vào đâu được. Thế là từ nay ta đã "Ngộ" rồi. Thông qua lăng kính của thượng đế ta sẽ sáng tác, sẽ cao siêu hơn cả sáng tác, ta nhìn mây bay trở thành bảo tố, chín sắc cầu vòng ta biến luôn thành mười chín sắc, tình yêu ta cho thành hận thù để bớt đi gian dối lọc lừa.
Cửa đóng then cài, tịnh khẩu đúng năm ròng, ta cho ra tác phẩm " ĐANG Ở DƯỚI DÒNG SÔNG".
Sáng tác được nhiều nhà bình phẩm đánh giá: Trên cả tuyệt vời, xứng đáng tầm cỡ kỳ vĩ của nhân loại. Thế là ta rơi toàn phần vào thế giới hoang tưởng " Ta đã là nhà văn của mọi thời đại". Hậu quả được vợ nhà than: Ôi thôi rồi, cần thu xếp cho vào bệnh viện. Đi chữa bệnh mà cứ ngỡ rằng đi lảnh thưởng, diện com lê, bắt nịt, thắt cà vạt, vênh vang hoành tráng, những nữa điên nữa khùng vây quanh, ta cho rằng những anh tài của đất nước đang tung hô chúc tụng, ta kệch cỡm chủm choẹ: Các người có biết các người đang ở đâu không?
- Biết chết liền-
Ta trịnh trọng phán: Chúng ta đang ở dưới dòng sông.
- Bộ chết đuối hay sao mà ở dưới dòng sông?
- Cần gì phải chết đuối mới được ở dưới dòng sông
- Thế là ai?
- Bạn của Thượng đế
- Mà Thượng đế là ai?
- Không biết.
- Vậy bạn thượng đế là ai?
- Chính là ta đây
- Thảo nào. Ông bác sĩ ngao ngán: Thôi cho trói lại, chích thuốc an thần, điều trị ba năm.
Hết ba năm ta về, đầu óc sạch sẽ như vừa mới tắm, hú hồn mới sém là nghệ sĩ mà đã ba năm vinh quang, vậy lỡ thành nghệ sĩ thiệt chắc được giải Nô Ben quá.
Hoàng lan tự sáng tác

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

MƯA TUY HOÀ

Tản văn:
Đề tài này cực kỳ khó.
Nơi mình sinh ra và lớn lên, có thể nói tất cả những gì thay đổi từ lớn đến vụn vặt đều diễn ra trước mắt nhưng có mấy ai lưu nhớ.
Năm có bốn mùa, muốn hay không nó vẫn đến, mọi người đón nhận một cách dửng dưng xem như là điều phải đến. Nhưng thực ra không phải thế, mọi vật luôn thay đổi, hết sức diệu kỳ, không ngày tháng nào có sự giống nhau trong năm

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

Ngoi lên để bước

Blogger Tâm sự
( nhân 20/10 ngày phụ nữ Việt Nam.)
Những gì tôi viết ra đây là tâm sự của một phận " nghèo" đã từng bị hất hủi, dằn vặt trên đường tìm kiếm cho mình một việc làm , nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình nơi đã từng khó nhọc mót chắt từng đồng để tôi được gọi là người có học . Từ phận " nghèo" tôi ngoi lên thành một nữ doanh nhân tạm cho là thành đạt. Hy vọng rằng " Ngoi lên để bước" đem lại chút động viên cho những bạn nào cùng thân phận như tôi trước đây. Xin đừng nản lòng khi thất bại trên đường tìm việc mưu sinh.
Hơn cả nghèo.
"Kiết xác", hai từ này dành cho đời tôi là cực kỳ chính xác, bước ra từ một gia đình hơn cả nghèo, đất quê cằn cỗi, tờ bạc đồng tiền kiếm được nặng bao nhiêu thì mồ hôi bỏ ra nặng gấp mười lần. Mất cha khi chưa tròn năm tuổi, mẹ tôi phải tủn mủn từ con cá, cọng rau, trái bầu, trái bí để chuyển hóa thành tiền nuôi tôi ăn học ở một trường cao đẳng. Nói tiếng nuôi cho đỡ tủi chứ thật ra chỉ là hổ trợ phần nào. Quần áo tôi mặc, vật dụng cá nhân như dép guốc, gương lược đều được xin lại từ những người hảo tâm ở cùng làng hay bạn học dư thừa bỏ ra, hàng ngày với không gian ký túc xá tôi chỉ biết học và học, ngay cả cái phương tiện di chuyển bình thường là chiếc xe đạp trành cũng là mơ ước lớn của tôi . Ba năm trôi qua, tôi tốt nghiệp loại ưu với một tâm trạng bời bời lo lắng, liệu với tấm bằng cao đẳng tôi có thể kiếm được một việc làm trong khi nhiều người khác tốt nghiệp đại học chính qui vẫn thất nghiệp nằm nhà.
Tội cho mẹ tôi quá, một phụ nữ chân quê, thất học trong đầu luôn tự hào con mình là người đỗ đạt, lại đỗ hạng ưu của một trường cao đẳng nữa đấy, bà luôn cho rằng khi nào học xong tôi sẽ được trân trọng đón chào, sẽ có một công việc, sẽ là người giàu có trong ngày một ngày hai.và bà có ngờ đâu đứa con gái bé bỏng của mình đã dấu đi rất nhiều điều để bà được hạnh phúc hơn.
Hành trình xin việc
Lấy đôi chân và xe buýt làm phương tiện chính, tôi lê la đến từng công ty, từng doanh nghiệp để nộp đơn, giờ điểm lại không thể nào kể xiết cho hết những nhục nhằn, cay đắng mà tôi đã trãi qua. Là một con chim còn quá non, bước ra đời với bỡ ngỡ là hành trang chính, còn tấm bằng cao đẳng chỉ là một cái cớ để tôi mạnh dạn bước vào cổng các cơ quan, công ty để xin việc. Các bạn ạ ! với thời buổi thị trường khi đi xin việc điều đầu tiên được hỏi là có xe gắn máy, có điện thoại di động không ?, nếu không thì đừng mơ tưởng đến những gì tốt đẹp diễn ra tiếp theo, sau điều kiện xe ,điện thoại yếu tố tiếp theo là đã có kinh nghiệm hay chưa ? Trời ạ! từ miền thôn dã ra thành thị học, miếng ăn không đủ no, áo quần không đủ tiền sắm, được tiếp xúc với xã hội chỉ là mơ tưởng , với môi trường thành thị tôi là đứa quê chay, nẩu ne rặt tiếng địa phương, Thế thì đào đâu ra kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Từ hụt hẫng này đến hụt hẫng khác, có nhiều trường hợp tủi thân đến độ tôi suýt tìm đến cái chết để khỏi nhục nhằn, nhưng khi nghỉ đến người mẹ tảo tần, nghỉ đến sự hy vọng của mẹ dành cho mình tôi lại cố đứng dậy tiếp tục hành trình. Đau lòng nhất là những bận mẹ nhờ người gọi điện hỏi thăm giờ con ra sao rồi đã đi làm chưa? Tôi buộc phải dấu diếm trả lời: con cần học thêm và đang chuẩn bị làm mẹ ạ.
Trầy trật mãi cuối cùng tôi cũng được một doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhận vào thử việc với những điều kiện ngặt nghèo và bắt đầu từ đây tôi mới hiểu thế nào là bầm dập, là chông gai .
Học một đường làm một nẻo.

Lý do được nhận vào thử việc hoàn toàn không nhờ vào tấm bằng cao đẳng mà chính là cái dáng cao ráo, nét mặt hiền hiền đã phần nào chiếm được cảm tình của bà chủ doanh nghiệp.
Ngày đầu tiên đi làm đầy nôn nao háo hức, ngay lập tức tôi nhận được những ánh mắt lạnh giá và coi thường bởi tôi là một cô gái quê mùa nghèo khó, biết phận mình là ai tôi cố gắng hết sức làm tròn công việc được giao. Nhưng hởi ôi, tôi không tài nào hoàn thành tốt những công việc mà chị kế toán trưởng giao cho dù là những công việc rất là vặt vãnh, những gì được học ở trường chẳng có chút tác dụng gì, chỉ là một mớ kiến thức tổng hợp chung chung đại khái, trình độ vi tính của tôi thì tù mù chẳng ra ngô khoai gì trong khi cổ máy doanh nghiệp đang chạy với một sự chuyên nghiệp khủng khiếp. Tóm lại tôi chã làm được việc gì ra hồn, đụng đâu hư đó, thời gian thử việc chưa qua hết một tuần tôi bị bà chủ gọi lên thông báo: ngưng tuyển dụng, lý do không đủ khả năng làm việc. Cực kỳ chao đảo và hoảng hốt tôi xin phép được trình bày hoàn cảnh khốn khó của mình và được ở lại làm bất cứ việc gì, nghe xong bà chủ doanh nghiệp có nét mặt phúc hậu nhỏ nhẹ từ tốn: Thế này cháu ạ! kinh tế thị trường nó vô cùng khắc nghiệt, ta thương con nhưng ngược lại ai là người thương doanh nghiệp, mọi việc ở đây buộc phải sinh lãi để tồn tại, cháu không làm được việc thế ta lấy nguồn nào để trả lương , tuỳ cháu suy nghỉ.
Nghe bà chủ nói tôi hiểu ngay nếu muốn ở lại làm việc phải chấp nhận điều kiện không hưởng lương, chông chênh bên bờ vực thẳm, chỉ còn vài ly phân nữa tôi sẽ rơi xuống hố sâu, tôi không được quyền kén cá chọn canh, điều kiện trên đã là một cơ hội đối với tôi. Tôi hoàn toàn chấp nhận với quyết tâm sẽ nổ lực hết mình để vươn lên.
Thử việc sang học việc
Sau đấy tôi đã là người học việc, cố gắng học mọi người từ điều nhỏ nhất đến điều cho là lớn nhất đối với tôi, không nề hà và dần lấy được cảm tình của mọi người trong doanh nghiệp nhất là đối với bà chủ, có lần bà cho gọi tôi hỏi : Không có lương thế thì con lấy gì để sống ?. Tôi bùi ngùi thưa thật: Hết giờ làm việc tối đến con đi bán hột vịt lộn để có tiền chi dùng và gởi cho mẹ ở quê nhà một ít, bà chủ hỏi câu thứ hai: Ở đây không lương thế thì điều gì khiến cháu phải ở lại làm ?, câu hỏi này làm tôi xúc động, rơi nước mắt bộc bạch: Dù gì con cũng là người được cho ăn học tuy không cao nhưng con hiểu được làm việc ở đây là được học tập những gì mà trước đây con thể nào biết được.
Trở về với nét mặt lạnh lùng cố hữu bà chủ phẩy nhẹ tay, tôi hiểu ý lui ra ngoài. Tuần sau đột ngột tôi lại được gọi lên, bà chủ phán: Ngoài công việc hiện nay đang làm, cháu có nguyện vọng nào không? phải thật lòng mà nói tôi đi từ bàng hoàng này đến ngạc nhiên khác, được bà chủ kêu hỏi chuyện đã là điều hiếm thấy, nay được hỏi nguyện vọng muốn gì đúng là có phải tôi đang mơ. Ấp úng rụt rè tôi thưa:
- Cháu muốn về xưởng sản xuất.
- ý cháu muốn làm ở bộ phận thiết kế ?
Nghe thế tôi hoảng hồn tưởng bà chủ có ý nói tôi " đũa mốc mà chòi mâm son" nên vội vàng đính chính:
- Dạ xin làm công nhân trực tiếp sản xuất.
Trán bà chủ thoáng cau lại : Cháu biết gì mà sản xuất ?
- Dạ ! cháu tuy học về kế toán nhưng thưở bé thích môn vẽ lắm, cháu nghĩ có thể học nghề được ạ.
Thời gian sau đấy tôi được chuyển sang xưởng sản xuất, tôi lại miệt mài học tập, dần dà các công đoạn chế tác

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Ngoi lên để bước đi " tiếp theo"

thời gian sau đấy tôi được chuyển sang bộ phận sản xuất làm công nhân, lại miệt mài học tập, nhờ có ham mê hội họa từ nhỏ cộng với sự nỗ lực của bản thân, dần dà tôi thông thạo các công đoạn kỹ thuật chế tác, trong quá trình lao động có đôi lúc tôi mạnh dạn đề xuất với quản đốc xưởng về ý kiến riêng của mình nhằm giảm các chi phí và sản phẩm được đẹp hơn.Nhờ sống hoà đồng và không hề câu nệ nặng nhọc, tôi thực hiện bất cứ việc mà quản đốc giao phó kể cả những việc nặng nhọc dành cho nam giới. Thời gian dần trôi, sáng làm công nhân lem luốt, tôi mày mò đi học về ngoại ngữ, về thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ . Tôi dần được sự tin tưởng của lãnh đạo doanh nghiệp, được cất nhắc từng vị trí một từ công nhân sản xuất thành nhân viên tổ thiết kế, sau này doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn thành lập cấp phòng thì tôi được chỉ định làm trưởng phòng

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

Ăn theo chữ nghĩa

Gốc là lao động chân tay, kém học, bù vào được tính chịu thương chịu khó, kính trên nhường dưới nên được diễm phúc quen với các bậc thi phú nhiều chữ nghĩa. Thi thoảng được các vị mời tham gia thù tạc, phiếm chuyện với nhau, thường những bận như thế tôi là người phải sắp bàn, bày ghế lấy ly kêu mồi.
Các bạn tôi là những nghệ sĩ to, quần tụ nhau là hàn huyên toàn những điều lớn lao kỳ vĩ, gọi là bạn cho "oách" chứ tôi hiểu mình là phận " chiếu dưới", phần nhiều là tôi mắt tròn mắt dẹt, lắm lét nghe nhiều hơn nói, có bận không hiểu sao tôi lại lỡ buột miệng : Ước gì mình được tham gia vào hội này.
Thần khẩu hại xác phàm
Thoáng nghe được lời ước của tôi lão nhà văn vổ đùi đánh đét gào lên: Tại sao không nhỉ ? ngay bây giờ ta lập thành một hội xem sao?. Ông nhà thơ lim dim mắt tay vê vê sợi râu cùn ê a phán: Nhưng phải đặt cho được cái tên thật hoành tráng. Tiếp theo ông nhà báo tỏ ra mình lắm chữ nên trịnh trọng đề nghị: Theo tôi thì lấy tên là hội " Thiền sư". Ông họa sĩ bác thẳng mặt: Không được nghe cải lương quá.
Nãy giờ lão nhà văn lớn tuổi nhất trong đám vẫn miên man tư duy cuối cùng phải hắng giọng e hèm : Hết sức bình tỉnh, theo tui lấy tên Tứ đại là ổn nhất có nghĩa là đại diện cho Đất, Nước, Lửa, Gió bốn nguyên tố cấu thành vũ trụ.
Nghe oai quá , hai ông nhà thơ và họa sĩ gật gù tán thành, ông nhà văn nhướng mày quay sang tôi: Còn ông thì sao? Được hỏi mà hồn vía bay thẳng tới mây xanh, tôi ấp úng: Dạ! mấy anh dạy sao tui nghe thế, nhưng có điều tui còn băn khoăn.
- Nói ra xem sao. Ông nhà báo thúc.
Cực chẳng đã tôi bộc bạch: Mấy anh được gọi là nhà báo, nhà thơ, nhà họa còn có lý, tui đây biết gọi là nhà gì?
- Thế hiện ông nghề gì chính?
_ Tôi tiếp xúc với đất cát nhiều hơn là viết lách.
Ông nhà văn chỉ định ngay: Thế thì ông là nhà "Đất" đại diện cho nguyên tố đất, được chưa ?
Tôi hùng hồn dạ thật to, ngu gì không dạ, đây là cơ hội ngàn năm có một của đời tôi.
Bầu bán nghiêm chỉnh
Lật ngữa mũ bảo hiểm, xé bốn miếng giấy, ai nấy tự ghi tên người muốn bầu vào, xóc xóc cho khách quan dân chủ. Kiểm phiếu.
Kết quả: ba phiếu ghi tên tôi, còn phiếu của tôi thì bầu ông nhà văn.
Trinh trọng ông nhà văn đại diện đứng dậy thông báo: Ba phiếu ghi tên ông "Đất", nay tuyên bố ông là đại diện cho nguyên tố: Đất làm trưởng hội TỨ ĐẠI.
Nhiệm vụ của hội trưởng.
Hết bầu cử, trọng trách rạch ròi, việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở. Lâu lâu thấy buồn thì phôn họp mặt, mỗi lần như thế ngoài cái nếp quen thuộc là sắp bàn bày ghế lấy ly mua mồi thì nay lại được nghe thêm: Hội trưởng ơi, hết đá. Hội trưởng ơi hết mồi. Rượu mồi đầy đủ thế là ba nhà chữ nghĩa lao vào rôm rả bàn luận chuyện văn chương, ngôn từ bác cổ cao siêu, còn hội trưởng thì ngồi như ngỗng đực, lác đác có bạn mới vào trách nhiệm hội trưởng lại lăng xăng phục vụ, lâu lâu tôi cũng được mang ra giới thiệu trịnh trọng: Đây là đương kim chủ tịch hội Tứ đại
làm khách nghe chột dạ bỏ mắt kính ra nhìn tôi cho rõ, hai môi mím mím, mép trái giựt giựt lộ vẻ không tin, làm gì có chuyện cái ngữ như tôi mà đủ nội công thâm hậu để lãnh đạo các vị đầy chữ nghĩa nói trên.
Tàn cuộc cả ba ông bạn tôi ngồi bắt chân chữ ngũ im như thóc, biết ý tôi lo thanh toán các chi phí. Biết là dại nhưng tôi tự an ủi: Sống ở đời biết thế nào là dại khôn.Tâm tình mà nói cũng nhờ các bậc này tôi khôn ra nhiều, chẳng hạn về thơ phú tôi làm gì phân biệt được thế nào là lục bát, thế nào là thơ đời đường nay thì tỏ cả, được thế gọi là khôn hay dại.
Những nụ cười nụ
Chiều mát trời, ông bạn nhà thơ lót cót đạp xe viếng nhà có cầm theo tập thơ mới tinh trịnh trọng tặng tôi, nhận tập thơ, cực kỳ xúc động khiến tôi luôn miệng cảm ơn làm ông bạn thơ trào dâng xúc động hơn cả tôi.
_ Tôi có viết lời tặng bác và gia đình đọc lấy thảo.
Ông bạn thơ về, tôi cầm tập thơ còn thơm mùi mực te te xuống nhà dưới khoe vợ. Vợ chỉ nhướng được một phần tư con mắt nhìn rồi cầm lấy lật lật. miệng thì điểm nụ cười nụ, đột nhiên bà vợ tôi trợn mắt gằn giọng: Gì đây? cái ngữ ông mà làm chủ tịch à!
Hồn lìa khỏi xác, tôi nhợt nhạt ú ớ: Chủ tịch gì ở đây?
- Thì đây, ông xem đi
À! hiểu rồi té ra ông bạn thơ quý hóa hạ cố tương vào đầu sách một dòng" Kính tặng ông chủ tịch cùng gia đình đọc lấy thảo".
Mềm như con bún, tôi hạ giọng: Người ta quý mới tặng, không đọc thì cất làm kỷ niệm.
Iểu xìu tôi mang tập thơ lên phòng khách, cố tình bẹo bẹo trên mặt bàn salon, trong lòng thì mong ước, giờ này mà có bạn nào tới chơi thấy được tập thơ có lời viết tặng kèm theo chữ ký của tác giả, chắc là phải sướng lắm.
Cầu sao được vậy, linh ứng ngay, lão bạn làm nghề thầu xây dựng đột nhiên lù lù dẫn xác tới với ý đồ rủ tôi đi uống bia.
- Ngồi đã, uống chén nước
Miệng đon đã mời còn tay thì len lén đẩy tập thơ về phía lão thầu, cố ý bẹo cho thấy, mà lão thấy thiệt, thờ ơ nhón lên dứ dứ: Gì đây ? Tôi lào khào long trọng: Của quý đấy.
Lão thầu nhướng mắt: Quý chổ nào? - Cứ lật xem.
Lười biếng, nheo mắt, tay lật lật , lão thầu phán gọn: Xời, tưởng gì . Và tôi lại được ban thêm một nụ cười nụ.
- Thôi làm ơn thay đồ đi với tui làm ít ly cho mát ruột.
Thế là niềm vui ăn ké văn chương, ăn theo chữ nghĩa của tôi thành bọt bong bóng xà phòng, buồn năm phút bia vào là quên ngay thôi mà.

Hoàng lan

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Lý qua cầu

Văn mà không phải văn, mà chính là ngẫu hứng mang chất giọng lý qua cầu. Lời viết của ngẫu hứng đầy sự dâng trào ,rất đời, rất thật và nhiều lùng bùng hơn .
Trời đang mưa mặt đường loang loang ướt, thật ra trời có nhểu giọt nước nào đâu mà lòng tôi đang loang loáng mưa đấy , ." Về ngoại nhá !" hoàn toàn khác " con chuẩn bị về ngoại !" .Chỉ cần 3 từ" về ngoại nhá!" là đủ nói lên sự nấn ná đến nao lòng của đoạn văn, 5 từ "con chuẩn bị về ngoại " thường quá. Người đi xa muốn về nhà luôn có sự háo hức tất nhiên phải có chuẩn bị, đã chuẩn bị mà viết lên sự chuẩn bị thì còn gì là "Văn", là ngẫu hứng lý qua cầu.

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Hụt hẫng

Lúc con còn bé tẹo, mẹ công tác nhà nước, ngày hai buổi đi về ít thời gian gần con, bố làm nghề tự do nên kè con bên cạnh để chăm, con ríu ra ríu rít suốt ngày, mỏi miệng mỏi tay ẳm bồng nhưng ấm áp tình cha con.
Lớn lên ăn học xong con trở về nối nghiệp bố, quản lý doanh nghiệp, hàng ngày thấy nhau, vui buồn đủ cả.Gia đình tràn đầy hạnh phúc, mỗi khi đi đâu về đến nhà câu đầu tiên con gào lên là : Bố ơi bố hởi . Bố đang ở đâu, có bận bố đang ở trong toa lét cũng ơi lên một tiếng cho con yên lòng.
Thời gian thoi đưa, con chim non giờ đây đủ lông cánh, rập ràng chuẩn bị xây tổ riêng, bố hiểu sự đời là thế, bố hoàn toàn chấp nhận nhưng dưới đáy nỗi lòng tràn đầy xót xa.
Lễ cưới của con gái được tổ chức chu đáo, tay bắt mặt mừng, trong bụng thì buồn thiu, tan tiệc bố nắm chặt tay con đi thật chậm về xe, mẹ dấu nổi buồn chui vào xe trước, bố bịn rịn nhưng cuối cùng cũng anh dũng bước vào xe đi về để cho con sớm được vui vầy với một gia đình xa lạ khác.
Làm cha làm mẹ là thế đấy. sinh con ra, ngày đêm chăm bẳm, hàng triệu thứ phải lo. Giờ con gái có hiểu chăng? bố tuy cứng rắn trong công việc, nhưng với việc con đi lấy chồng thì bố hoàn toàn bất lực, đành buông tay để con bay cùng một nữa còn lại của mình, với con là một chân trời mới lấp lánh màu hồng, với bố là những ngày dài thiếu vắng.
Những ngày sau đấy đầy hụt hẩng, có nhiều lúc bố ngồi thừ, quen rồi khi công việc cần bố thường réo tên con nay thì im tịt. Căn phòng nhỏ con ở vẫn được giữ nguyên, là kỷ niệm một thời con là con gái của bố.
Thuyền đời mênh mông khó đoán trước. Bố mong con vững tay chèo, khi muốn về nhà chỉ cần con nhắn qua điện thoại: Về ngoại nhá. cả nhà sẽ đón chờ. Thương con.
Hoàng lan

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

Tự sự ( hai con mắt )

Kẹt chuyện gia đình, Blog bị bỏ quên ít ngày, rong rêu lớt phớt xuất hiện.
Nay quyết lên máy xách chổi lông gà quét sơ. Tuần rồi có việc lớn không lớn, nhỏ không nhỏ xảy ra đó là: Trên báo tuổi trẻ cuối tuần có đăng bài "Ông SVC" tác giả là HOÀNG LAN, bạn hữu thắc mắc hoàng lan là ai ? Vậy xin trả lời: Hoàng Lan là ai cũng mượt bà nó, nếu nó viết đủ- đúng :khen, viết ba láp:chưởi
Dưới đây là tự sự của chính Ông SVC : Đời là U mê hỷ nộ, tối ngủ có bao giờ được nhắm cả hai mắt, bao giờ cũng mắt nhắm mắt mở. Vậy con mắt mở để làm gì ? Xin thưa: Con mắt mở là con mắt giả, mở hay nhắm không quan trọng, cốt yếu là nó phải mở để canh chừng cho con mắt nhắm.

Hàng đêm nó chong mắt lên để canh .

Con mắt nhắm ngủ thẳng cẳng. Sáng dậy mắt nhắm hỏi mắt mở: Đêm qua mày thấy cái gì?
Cả đêm không được ngủ giờ bị hỏi móc họng mắt mở bực mình: Thấy cái trần nhà.